Khi có biểu hiện mất ý thức, người bị nạn cần được theo dõi ít nhất 24 giờ. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân cần được chụp phim cắt lớp sọ não, chụp Xquang sọ và cột sống vì chấn thương cột sống phối hợp không phải là hiếm gặp. Khi một trong các xét nghiệm nói trên có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân sẽ phải vào một bệnh viện chuyên khoa để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Đây là những bước cơ bản cần làm đối với một trường hợp mất ý thức xảy ra sau tai nạn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tai nạn không phải do giao thông gây ra, sự cố phát sinh trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ví dụ đang đi bình thường tự nhiên ngã ra và mất ý thức mà không có bất cứ một lực tác động ngoại lai nào… thì một câu hỏi không quên đặt ra là đây có phải do chấn thương làm cho nạn nhân mất ý thức không hay mất ý thức đột ngột lại là nguyên nhân của tai nạn? Trường hợp này không phải là ngoại lệ, đặc biệt đối với đối tượng người có tuổi, khi mà các tác nhân gây mất ý thức luôn luôn tiềm ẩn và xảy ra vào những lúc ta không ngờ tới. Cung cấp đầy đủ những thông tin về tiền sử cá nhân và gia đình sẽ giúp người thày thuốc nhanh chóng tìm ra câu trả lời phù hợp.
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây mất ý thức cần được kể ra đầu tiên. Hẹp hở van động mạch chủ do thoái hoá, vôi hoá các lá van ; tổn thương đường dẫn truyền do suy mạch vành gây rối loạn nhịp tim; tăng huyết áp ; bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn ; vữa xơ động mạch cảnh là những nguyên nhân hay gặp ở người có tuổi. Có khi những nguyên nhân này chỉ được phát hiện sau một vài lần bệnh nhân mất ý thức phải vào bệnh viện cấp cứu. Mất ý thức cũng có thể xảy ra khi thay đổi tư thế ở một bệnh nhân tăng huyết áp đang đuợc điều trị bằng thuốc hạ áp, nhất là bệnh nhân tăng huyết áp này lại có bệnh đái tháo đường kèm theo. Đặt bệnh nhân lên giường, nằm đầu thấp và nâng hai chân bệnh nhân lên cao. Động tác này rất hiệu quả trong trường hợp bệnh nhân bị hạ huyết áp tư thế.
Mất ý thức cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị bằng thuốc hạ đường huyết. Khả năng hạ đường huyết cũng không thể loại trừ nếu cơn mất ý thức xảy ra xa bữa ăn, kèm theo da lạnh, vã mồ hôi. Kiểm tra lại đường máu mao mạch bằng bút thử đường huyết là một xét nghiệm nên làm.
Sau nữa, mất ý thức có thể xảy ra ở những bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc chống đông. Tai biến của thuốc chống đông có thể xuất hiện sau cơn mất ý thức từ một đến vài ngày. Nhập viện để theo dõi về tình trạng đông máu là một chỉ định bắt buộc.
Như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, mất ý thức là một trong những dấu hiệu rất quan trọng trong bệnh lý nội khoa cũng như ngoại khoa. Nếu mất ý thức xảy ra sau chấn thương, đặc biệt là chấn thương vùng đầu mặt cổ thì bệnh nhân cần được xác định có chấn thương sọ não hay không. Để trả lời câu hỏi này, người bệnh nhất thết phải được theo dõi và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Nếu sọ não không bị chấn thương hoặc tai nạn xảy ra một cách khá tự nhiên, không có ngoại lực tác động vào thân thể mà hoàn toàn do bệnh nhân bị mất ý thức gây ra thì phải xác định nguyên nhân, nhất là khi đối tượng bệnh nhân là người có tuổi.
TS. Tạ Mạnh Cường
Photo: Google.com.vn
|